Trong mua bán quốc tế có thể gặp phải nhiều rủi ro thanh toán quốc tế khác nhau.
Điều này có thể do đồng tiền thanh toán tăng giá hay giảm giá gây thiệt hại cho bên nhập khẩu hay bên xuất khẩu, do lựa chọn phương thức thanh toán không phù hợp gây khó khăn và tốn kém chi phí cho các bên, do quy định thời gian thanh toán và thời gian giao hàng không hợp lý ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng và quyết toán hợp đồng,…
Tuy nhiên, hậu quả lớn nhất là người xuất khẩu có thể không nhận được hoặc nhận được không đủ tiền hàng sau khi mình đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình là giao hàng cho người nhập khẩu, ngược lại người nhập khẩu lại có thể không nhận được hàng hoặc nhận không đúng về số lượng, chất lượng, không kịp về thời gian khi đã trả tiền cho người xuất khẩu.
>>>>> Bài viết xem nhiều: Khóa học xuất nhập khẩu online ở đâu tốt
1. Rủi ro trong thanh toán quốc tế
Đối với từng phương thức thanh toán này rủi ro trong thanh toán quốc tế có mức độ khác nhau, điều kiện xảy ra cũng khác nhau và hậu quả để lại của nó cũng không giống nhau.
a. Đối với phương thức chuyển tiền
Chuyển tiền được áp dụng khi các công ty có mối quan hệ làm ăn lâu dài, truyền thống. Tuy nhiên trong kinh doanh, không thể lường trước được những biến động có thể xảy ra. Khi thực hiện nghiệp vụ chuyển tiền thường gặp một số rủi ro sau:
Nếu việc chuyển tiền thanh toán được thực hiện trước khi giao hàng: Người nhập khẩu thanh toán hết hoặc một phần tiền hàng nhưng không đảm bảo chắc chắn hàng hoá nhận được có quy cách phẩm chất như trong hợp đồng.
Nếu thanh toán sau khi giao hàng: Người xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu và yêu cầu người nhập khẩu trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền. Trong trường hợp này, không đảm bảo là người xuất khẩu sẽ nhận được tiền hàng đủ và đúng với thời gian quy định trong hợp đồng.
b. Đối với phương thức ghi sổ
Đây là hình thức ghi chép trên tài khoản theo dõi nên có thể ghi chép thiếu, không chính xác số lần giao, khối lượng giao gây ảnh hưởng tới giá trị thanh toán.
Thông thường hai bên tiến hành thanh toán sau một định kỳ, do đó doanh nghiệp có thể bị đối tác lừa hoặc đối tác mất khả năng thanh toán.
Giá trị thanh toán có thể bị sụt giảm do tỷ giá biến động hay mức lãi suất trên thị trường tăng hoặc giảm. Nếu là người xuất khẩu, với mức lãi suất quy định trên hợp đồng là cố định mà mức lãi suất trên thị trường cao hơn thì người xuất khẩu bị thiệt. Nếu mức lãi suất trên thị trường thấp hơn thì người xuất khẩu được lợi.
c. Đối với phương thức nhờ thu:
Với mỗi loại hình nhờ thu đều có những rủi ro thanh toán quốc tế có thể xảy ra.
– Nhờ thu phiếu trơn:
Trong hình thức nhờ thu này quyền lợi của người xuất khẩu, người nhập khẩu đều không được đảm bảo do việc nhận hàng và thanh toán tách rời nhau. Người xuất khẩu không đảm bảo sẽ nhận được tiền đúng thời hạn quy định, người nhập khẩu sẽ không đảm bảo nhận được hàng đúng theo quy định trong hợp đồng.
– Nhờ thu kèm chứng từ:
Trong hình thức nhờ thu này Người xuất khẩu vẫn có thể gặp rủi ro do người nhập khẩu không thanh toán tiền hàng. Người nhập khẩu có thể có nhiều lý do khác nhau để từ chối thanh toán, chẳng hạn như: hàng không phù hợp với hợp đồng, không thể bán được hàng, có ý định trước để lừa người xuất khẩu, người nhập khẩu bị phá sản không có khả năng thanh toán; người nhập khẩu không thanh toán vì bộ chứng từ không phù hợp,. .
– Người nhập khẩu có thể không thanh toán bằng cách trì hoãn việc nhận hàng hoá hoặc không nhận nữa. Lúc này hàng hoá đã được người xuất khẩu gửi đi nên làm cho người xuất khẩu tốn kém nhiều chi phí có liên quan tới việc chuẩn bị, vận chuyển, bảo quản,… và cả chi phí cơ hội của việc bán hàng nữa.
Ngược lại, người nhập khẩu cũng có thể gặp rủi ro nếu như hàng hoá nhận về thực trạng không khớp với chứng từ và không phù hợp với hợp đồng đã thoả thuận.
d. Phương thức tín dụng chứng từ
Phương thức tín dụng chứng từ là một phương thức thanh toán khá đảm bảo, nó bảo vệ được quyền lợi chính đáng của các bên tham gia. Tuy nhiên các bên vẫn có thể gặp phải những rủi ro:
Đối với người xuất khẩu:
Người xuất khẩu có thể gặp phải những rủi ro như:
Rủi ro xuất phát từ phía ngân hàng mở L/C: Uy tín và khả năng tài chính của ngân hàng mở L/C không đảm bảo sẽ không có khả năng thanh toán, người xuất khẩu có thể sẽ không nhận được tiền hoặc nếu có thì thời gian thu hồi chậm ảnh hưởng đến việc luân chuyển vốn, đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ chứng từ không phù hợp với L/C (về mặt nội dung và hình thức): đây là rủi ro do sai sót về mặt kỹ thuật.
Nếu bộ chứng từ không phù hợp với yêu cầu của L/C thì ngân hàng phát hành L/C sẽ từ chối thanh toán và như vậy người xuất khẩu sẽ không nhận được tiền. Hơn nữa, nếu người nhập khẩu và ngân hàng mở L/C không có thiện chí thanh toán thì họ có thể lợi dụng những sai sót dù rất nhỏ của bộ chứng từ để từ chối thanh toán hoặc kéo dài thời gian thanh toán.
Trong trường hợp hàng hoá đã được xếp lên tàu và đang trên đường vận chuyển thì người xuất khẩu còn phải chịu thiệt hại do phải trả một loạt các chi phí như chi phí vận chuyển, cước lưu kho lưu bãi, điện phí và các loại phí tổn khác, và cũng có thể người nhập khẩu lợi dụng tình trạng đó để ép giá.
Hối phiếu xuất trình sau ngày hết hạn hiệu lực L/C sẽ bị từ chối thanh toán.
Ngoài ra trong một số trường hợp người, xuất khẩu không thực hiện được nghĩa vụ của mình đúng theo quy định của L/C như: Giá trị hàng giao không khớp với giá trị trên L/C, giao hàng chậm, chuyên chở không đúng quy định, cơ cấu hàng hóa giao không đúng,… thì cũng bị từ chối thanh toán.
Đối với người nhập khẩu
Người nhập khẩu có thể không nhận được hàng trong trường hợp người xuất khẩu lập và xuất trình bộ chứng từ giả. Người xuất khẩu có thể giao hàng không đúng quy cách, phẩm chất mà vẫn được thanh toán nếu bộ chứng từ không mâu thuẫn với L/C. Ngược lại, người nhập khẩu vẫn phải thanh toán L/C với ngân hàng mà không nhận được hàng hoá theo đúng hợp đồng, vì theo UCP thì ngân hàng chỉ làm việc với bộ chứng từ mà không cần biết việc giao hàng thực tế có đúng với hợp đồng và bộ chứng từ hay không. Tất nhiên các vi phạm hợp đồng sau đó có thể được giải quyết nhưng phải mất nhiều thời gian và phí tổn, người nhập khẩu sẽ mất đi cơ hội kinh doanh và bị chiếm dụng vốn.
Người nhập khẩu cũng có thể gặp rủi ro từ người vận tải khi người vận tải không tin cậy có thể trốn mất cùng hàng hoá hoặc hàng hoá bị hư hại, hỏng hóc trong quá trình vận chuyển.
>>>>> Xem thêm: khóa học khai báo hải quan
2. Nguyên nhân rủi ro thanh toán quốc tế
Các nguyên nhân rủi ro thanh toán quốc tế có thể chia thành 2 dạng:
a. Nguyên nhân khách quan
> Do thay đổi tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái phản ánh sức mua, mối quan hệ so sánh về mặt giá trị trao đổi giữa đồng tiền quốc gia này với đồng tiền quốc gia khác thông qua quan hệ thương mại quốc tế, nó tùy thuộc vào kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, thâm hụt ngân sách và tình hình ổn định kinh tế của mỗi nước. Tỷ giá hối đoái là phương tiện so sánh về mặt giá trị các chi phí sản xuất của một doanh nghiệp nào đó với giá cả thị trường thế giới. Nó tạo khả năng biểu thị và đối chiếu về mặt số lượng kết quả các giao dịch kinh tế đối ngoại.
Do đó thông qua việc phản ánh tương quan giá trị của các đồng tiền của các quốc gia mà tỷ giá hối đoái có vai trò nhất định đối với quá trình trao đổi ngang giá và cùng một loạt các nhân tố khác, nó tác động tương quan với giá cả xuất nhập khẩu, tới khả năng cạnh tranh của các công ty.
Hậu quả của việc biến động tỷ giá là gây thiệt hại cho người xuất khẩu hoặc người nhập khẩu, vì vậy doanh nghiệp cần có những biện pháp phù hợp để hạn chế và tránh những rủi ro có thể xảy ra. Doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình bằng cách quản lý rủi ro hối đoái, tính toàn bộ hậu quả tài chính của rủi ro hối đoái vào thời điểm cụ thể khi nó xảy ra và có sự lựa chọn giữa chấp nhận hoặc tránh rủi ro. Rủi ro được quản lý thì chi phí tài chính để bù đắp rủi ro hàng năm với doanh nghiệp sẽ tương đối nhẹ.
Sự điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp với tình hình thực tế đã trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần ổn định tiền tệ, ổn định mặt bằng giá cả và có tác động tích cực trong việc khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Khi tỷ giá hối đoái tăng, đồng Việt Nam giảm giá trị sẽ hỗ trợ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam bởi nhà xuất khẩu sẽ thu được phần thặng dư.
Đồng thời nhập khẩu cũng có thể được hạn chế vì chi phí nhập một mặt hàng từ bên ngoài vào sẽ đặt lên tương đối, nhà nhập khẩu sẽ phải trả một khoản ngoại tệ tương đương với số nội tệ cao hơn. Điều chỉnh tỷ giá cao hơn trước sẽ khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu có sẵn, có thể thay thế và sản xuất trong nước do chi phí nhập khẩu tăng, hạn chế nhập những mặt hàng không thiết yếu. Đây là một trong những nhân tố tích cực hướng tới tiêu dùng và khuyến khích Séc hàng nội, góp phần tăng trưởng của nền kinh tế.
> Do lạm phát
> Tình hình chính trị không ổn định và suy thoái kinh tế
Lạm phát có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là công tác thanh toán. Nếu đồng tiền thanh toán là đồng tiền của quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao thì công ty đã gặp phải rủi ro cơ bản và phải chịu tổn thất không nhỏ về giá trị tiền hàng.
Rủi ro về tình hình chính trị không ổn định và suy thoái kinh tế, là loại rủi ro thuần tuý. Mỗi khi rủi ro này xuất hiện, tình hình kinh tế, sản xuất đình đốn, kéo theo tình trạng rối loạn trong sinh hoạt dân cư, mất ổn định an ninh chính trị. Rủi ro này không chỉ gây ra tổn thất cho công ty mà còn gây hậu quả xấu cho cả nền kinh tế.
> Do chính sách quản lý xuất nhập khẩu của Nhà nước
Nhà nước quản lý vĩ mô nền kinh tế, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đối với tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Những năm gần đây chính sách Nhà nước ta về kinh tế đối ngoại và quản lý xuất nhập khẩu được tiếp tục mở rộng, thu hút hàng ngàn đối tượng tham gia xuất nhập khẩu, tạo tăng trưởng khá nhưng cũng làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp, cạnh tranh gay gắt, chi phí tăng cao.
Cơ chế quản lý ngoại tệ, cơ chế kiểm tra, kiểm soát, thanh tra… đều chưa thực sự thông thoáng khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian giải trình, giải thích, gây lãng phí thời gian và thời cơ của doanh nghiệp. Những khó khăn đó ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thanh toán của doanh nghiệp. Cơ chế quản lý chặt, qua nhiều khâu, nhiều công đoạn đã làm chậm trễ công tác giao hàng, vận chuyển hàng… khiến cho doanh nghiệp có thể bị đối tác từ chối thanh toán.
b. Nguyên nhân chủ quan
> Do trình độ của cán bộ phụ trách hoạt động thanh toán
Cán bộ thực hiện công tác thanh toán có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả công việc. Nếu cán bộ mà trình độ chuyên môn nghiệp vụ không cao thì hoạt động thanh toán gặp nhiều rủi ro. Đối tác luôn là người muốn phần lợi nhuận nhiều nhất về mình, sẽ chọn phương thức thanh toán có lợi cho mình, yêu cầu người cán bộ thực hiện công việc phải nắm vững, am hiểu sâu nghiệp vụ để đưa ra sự lựa chọn thích hợp, phù hợp với khả năng và tình hình tài chính của công ty.
> Do kết quả hoạt động kinh doanh của công ty
Hoạt động kinh doanh của công ty quyết định tới tình hình tài chính, khả năng thanh toán của công ty. Nếu hoạt động kinh doanh luôn tiến triển thuận lợi, lợi nhuận thu được cao, tốc độ chu chuyển vốn lớn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng thanh toán cao.
Hoạt động kinh doanh gặp nhiều bất lợi sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, có thể làm doanh nghiệp mất khả năng thanh toán tạm thời hoặc phá sản.
> Do hệ thống thanh toán của công ty
Hệ thống thanh toán của công ty ảnh hưởng lớn tới hoạt động thanh toán trong công ty, mức độ rủi ro tuỳ thuộc vào phương thức thanh toán mà doanh nghiệp áp dụng, mức độ hiện đại của máy móc, trình độ kỹ thuật của phương tiện thanh toán.
Trong hoạt động thanh toán hàng hoá xuất nhập khẩu, có nhiều cách để thanh toán, tuy nhiên nếu sử dụng các phương tiện máy móc lạc hậu để thực hiện thanh toán thì mức độ rủi ro xảy ra cao hơn so với việc sử dụng các phương tiện hiện đại, tần suất xảy ra rủi ro lớn, hạn chế khả năng thanh toán và phạm vi thanh toán của doanh nghiệp. Là nhà
> Mối quan hệ với ngân hàng
Hoạt động thanh toán quốc tế thông thường được diễn ra qua ngân hàng, ngân hàng là người trung gian điều tiết các hoạt động thanh toán của doanh nghiệp. Uy tín và trách nhiệm của ngân hàng là điều kiện đảm bảo cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động thanh toán, các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ chuyển tiền, bảo đảm trả bằng tiền, mở L/C… cam kết trả tiền cho người xuất khẩu, do đó doanh nghiệp cần có mối quan hệ tốt với ngân hàng.
> Mối quan hệ với đối tác và khách hàng
Doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ về khả năng của đối tác là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của công tác thanh toán. Thực hiện hợp đồng nếu chưa hiểu biết đối tác có thể sẽ bị đối tác chậm trễ thanh toán hoặc đối tác không có khả năng thanh toán, vì vậy ở các doanh nghiệp cần tìm hiểu về đối tác để hạn chế được rủi ro xảy ra.
3. Một số biện pháp hạn chế rủi ro thanh toán quốc tế
Để giảm thiểu rủi ro trong thanh toán thương mại quốc tế, cả người xuất khẩu và người nhập khẩu cũng như các ngân hàng nếu tham gia thanh toán đều phải phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề và cùng thực hiện những giải pháp cơ bản.
Quan điểm để giải quyết vấn đề là không nên chuyển rủi ro sang phía đối tác hoặc ngân hàng tham gia thanh toán vì làm như vậy sẽ xâm hại mối quan hệ thương mại quốc tế cần thiết và thiệt hại về lâu dài. Hơn nữa, tất cả các rủi ro đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan nên giải quyết rủi ro phải xuất phát từ nguyên nhân để bảo đảm lợi ích của các bên tham gia mua bán và thanh toán.
Thực tế cho thấy xu hướng chuyển rủi ro vẫn đang còn ngự trị trong thanh toán thương mại quốc tế bởi lẽ trong kinh doanh người nào cũng mưu cầu lợi ích cho mình. Song để giải quyết vấn đề giảm thiểu rủi ro trong thanh toán thương mại quốc tế, cuốn sách này chỉ đề cập những giải pháp bảo đảm giảm thiểu rủi ro nhưng không xâm hại đến lợi ích của các bên tham gia.
– Lựa chọn và sử dụng phương thức thanh toán phù hợp:
Để giảm thiểu rủi ro trong thanh toán thương mại quốc tế, vấn đề quan trọng là các bên phải lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp nhất đối với từng nghiệp vụ kinh doanh thương mại quốc tế. Chẳng hạn, nếu nhập khẩu những hàng hóa và dịch vụ mà bên xuất khẩu phải chịu trách nhiệm về lắp đặt, bảo dưỡng, hướng dẫn vận hành như thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải thì có thể thực hiện phương thức chuyển tiền.
Ngược lại, những hàng hóa mà thời hạn giao hàng dài, có thể giao nhiều lần, xuất nhập khẩu qua trung gian thì nên áp dụng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ. Bên cạnh lựa chọn lựa chọn các phương thức thanh toán phù hợp, các bên tham gia kinh doanh thương mại quốc tế cũng nên đa dạng hoá các phương thức thanh toán.
– Giảm thiểu rủi ro về biến động tỷ giá:
Sự thay đổi tỷ giá của đồng tiền thanh toán có thể gây thiệt hại cho người mua hoặc người bán. Để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá các bên tham gia kinh doanh thương mại quốc tế nên lựa chọn đồng tiền thanh toán có sự biến động tỷ giá thấp, tính thanh khoản cao.
Cùng với lựa chọn đồng tiền thanh toán, các bên tham gia kinh doanh thương mại quốc tế nên sử dụng kỹ thuật bảo đảm ngoại tệ cho giá trị thanh toán. Cần chọn các đồng tiên ôn định về tỷ giá và có tính thanh khoản cao thành “rổ ngoại tệ” bảo đảm cho đồng tiền thanh toán.
– Thận trọng trong việc lựa chọn đối tác trong kinh doanh thương mại quốc tế:
Rủi ro thanh toán thương mại quốc tế phụ thuộc rất lớn vào năng lực tài chính và khả năng cung cấp hàng hóa hay dịch vụ của hai bên mua bán. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro thì cả hai đối tác cần thu nhận thông tin, phân tích và đánh giá về đối tác kinh doanh trước khi ký hợp đồng thương mại quốc tế.
Các chỉ số phân tích kinh doanh và phân tích tài chính như khả năng sinh lời, hệ số thanh khoản, chỉ số hoạt động, hệ số nợ, V.V.. cần phải được sử dụng khi phân tích và đánh giá về đối tác kinh doanh trong từng trường hợp nhập khẩu hoặc xuất khẩu.
– Sử dụng các công cụ tự bảo hiểm của thị trường ngoại hối:
Để giảm rủi ro trong thanh toán thương mại quốc tế có thể sử dụng các công cụ giao dịch trên thị trường ngoại hối như hợp đồng có kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn, hoán đổi ngoại tệ, v,v…
Hiện nay nhiều tổ chức tài chính và các ngân hàng đã cung cấp đầy đủ các phương thức giao dịch ngoại hối và các doanh nghiệp được quyền sử dụng như những kỹ thuật giảm rủi ro kinh doanh nói chung và kinh doanh thương mại quốc tế nói riêng.
– Sử dụng ngân hàng như một nhà tư vấn trong thanh toán thương mại quốc tế:
Ngân hàng, ngoài chức năng thực hiện dịch vụ thanh toán hoặc tham gia vào quá trình thanh toán còn có thể tư vấn cho doanh nghiệp để giảm những rủi ro. Những vấn đề về tính hợp lệ của bộ chứng từ, lựa chọn đồng tiền thanh toán, lựa chọn ngân hàng bảo đảm thanh toán, vv… đều có thể nhận được ý kiến tư vấn của ngân hàng và các doanh nghiệp kinh doanh thương mại quốc tế nên khai thác những ý kiến tư vấn này.
– Quy định chặt chẽ các điều khoản của hợp đồng thương mại quốc tế:
Các điều khoản của hợp đồng thương mại quốc tế, nhất là điều khoản thanh toán cần quy định chặt chẽ. Tên của đồng tiền thanh toán cần ghi đầy đủ hay ghi theo mã viết tắt của ISO, nên ghi rõ phương thức thanh toán và hình thức thanh toán cùng các chứng từ cần thiết. Thời điểm thanh toán cần được quy định chính xác, tránh quy định thanh toán vào một khoảng thời gian nào đó vì các bên có thể lợi dụng sự thiếu chặt chẽ để trì hoãn thanh toán, gây thiệt hại cho bên kia.
– Sử dụng các khoản tín dụng để đảm bảo việc mua hoặc bán hàng:
Trong thương mại quốc tế, việc người mua hay người bán cấp tín dụng để thúc đẩy việc mua bán rất có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau. Các khoản tiền ứng trước của người mua hay người bán được thực hiện sẽ ràng buộc trách nhiệm giao hàng và thanh toán đầy đủ.
– Thưởng phạt trong thanh toán:
Để giảm rủi ro trong thanh toán thương mại quốc tế, việc quy định điều khoản phạt chặt chẽ và đúng “liều lượng” sẽ buộc người bán giao hàng đầy đủ và người mua thanh toán tiền hàng đúng thời hạn, chính xác.
Tóm lại, rủi ro trong thanh toán thương mại quốc tế khá phổ biến. Trong thực tế, nếu một bên đối tác không nắm được các thông lệ quốc tế cần thiết, không lường trước được và có những giải pháp cần thiết thì có thể gánh chịu rủi ro và bất ngờ trước rủi ro.
Hy vọng bài viết về Quy Trình Nghiệp Vụ Giao Dịch LC được chia sẻ bởi kỹ năng xuất nhập khẩu sẽ hữu ích tới bạn đọc.
Để nắm rõ hơn các Kỹ năng xuất nhập khẩu, bạn có thể tham gia các khóa học xuất nhập khẩu để được chia sẻ các kiến thức từ những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
Hiện nay một số đơn vị đào tạo thực tế đã có khóa học thanh toán quốc tế dành cho đối tượng muốn thi tuyển vào vị trí chuyên viên thanh toán quốc tế ở Ngân hàng & làm mảng thanh toán quốc tế ở doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các bạn có thể tham khảo các bài chia sẻ về học thanh toán quốc tế ở đâu tốt và theo học nếu muốn thành thạo nghiệp vụ thanh toán quốc tế.
>>>> Tham khảo thêm:
- Các Nghiệp Vụ Của Hối Phiếu Trong Thanh Toán Quốc Tế
- EBS Là Phí Gì? Phí EBS Được Tính Như Thế Nào? Phí EBS Ai Trả
- Mã SWIFT Là Gì? SWIFT Code Dùng Để Làm Gì?
- Quy Trình Thanh Toán TT (Telegraphic Transfer) Chi Tiết
- So Sánh Nhờ Thu Trơn Và Nhờ Thu Kèm Chứng Từ